Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm thứ Tư (13/3) đã lên án Trung Quốc và Iran về những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng khi Washington đưa ra Báo cáo nhân quyền hàng năm, theo Japan Times.
Thường được coi là đối thủ chiến lược chính của Mỹ trong dài hạn, Trung Quốc hiện đang đối mặt với cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung đầy chông gai. Tuy nhiên, các vấn đề mà chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump quan ngại và bày tỏ lập trường cứng rắn với Trung Quốc không chỉ dừng ở thương mại, Biển Đông hay hoạt động gián điệp của Bắc Kinh, mà còn về nhân quyền.
Phát biểu của Ngoại trưởng Pompeo đã tái khẳng định điều đó, khi nhà ngoại giao Mỹ bình luận rằng Trung Quốc luôn "đi đầu về những vi phạm nhân quyền" (nguyên văn: “in a league of its own when it comes to human rights violations”).
"Chỉ trong năm 2018, Trung Quốc đã tăng cường chiến dịch giam giữ các nhóm thiểu số Hồi giáo ở mức kỷ lục", ông Pompeo nói với các phóng viên khi đề cập đến các chiến dịch đàn áp của chính quyền Bắc Kinh tại khu vực Tân Cương.
"Ngày nay, hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ, người dân tộc Kazakhstan và những người Hồi giáo khác, đang bị giam giữ trong các trại cải tạo được thiết kế để xóa đi bản sắc tôn giáo và sắc tộc của họ".

Những ngày gần đây, các nhà ngoại giao thuộc chính quyền Trump đã công khai lên tiếng chỉ trích Trung Quốc về hoạt động bức hại quyền tự do tín ngưỡng, một phần trong các quyền lợi cơ bản của con người.
Không chỉ Ngoại trưởng Pompeo, đại sứ do Tổng thống Trump tiến cử về tự do tín ngưỡng, ông Sam Brownback đã có bài phát biểu mạnh mẽ khi đang ở Hồng Kông, thành phố bán tự trị ngay sát sườn chính quyền trung ương Trung Quốc.
"Dường như chính quyền Trung Quốc đang chống lại đức tin", Đại sứ Brownback phát biểu tại Hồng Kông hôm thứ Sáu (8/3), theo Washington Examiner. "Đây là một cuộc chiến mà họ sẽ không giành phần thắng".
"Đảng Cộng sản Trung Quốc phải lắng nghe tiếng khóc của chính người dân của mình chỉ vì họ mưu cầu tự do tín ngưỡng", ông Brownback thúc giục Bắc Kinh. "Một ngày nào đó sớm thôi, họ sẽ được tự do theo đuổi đức tin của mình. Cánh cổng tự do tín ngưỡng sẽ mở ra ở Trung Quốc và bức màn sắt che mắt cuộc đàn áp tín ngưỡng sẽ bị kéo xuống. Chính quyền Trung Quốc hiện đang đứng về phía sai lầm của lịch sử … nhưng điều này sẽ phải thay đổi."
Chỉ vài ngày trước đó, hôm 4/3, Đại sứ Brownback cam kết sẽ tiếp tục hành động nhằm ngăn chặn các hoạt động đàn áp tín ngưỡng của chính quyền Trung Quốc, trong đó có cuộc bức hại đối với những người tập Pháp Luân Công, môn khí công được tự do tập luyện tại Mỹ và nhiều quốc gia trên thế giới nhưng bị đàn áp ở đại lục từ năm 1999 đến nay.

Tuyên bố của Đại sứ Brownback được đưa ra tại lễ thành lập Liên minh Thúc đẩy Tự do Tín ngưỡng ở Trung Quốc (Coalition to Advance Religious Freedom in China – CARFA).
Ngay khi thành lập hôm 4/3, Liên minh CARFA đã kêu gọi chính quyền Tổng thống Trump áp dụng những chế tài chống lại các quan chức Bắc Kinh vi phạm tự do tín ngưỡng. Trước đó Tổng thống Trump đã nhiều lần bày tỏ cam kết chắc chắn về việc bảo vệ tự do tín ngưỡng toàn cầu.
"Chính quyền của tôi đã lên tiếng mạnh mẽ chống lại tình trạng bức hại tín ngưỡng trên khắp thế giới, trong đó có việc đàn áp rất rất nhiều người Cơ Đốc giáo. Những điều đang diễn ra thật là kinh khủng. Chúng tôi đang hành động. Chúng tôi đang hành động", Tổng thống Donald Trump phát biểu nhân ngày Ngày cầu nguyện quốc gia, tại Vườn hoa hồng của Nhà Trắng ở Washington vào ngày 3/5/2018.

Trong báo cáo thường niên về nhân quyền mới được công bố, Ngoại trưởng Mike Pompeo cũng cáo buộc chính quyền Iran, rằng năm ngoái đã sát hại hơn 20 người và bắt giữ hàng ngàn người mà không qua xét xử chỉ vì họ lên tiếng cho các quyền lợi của mình.
Báo cáo nhân quyền của Mỹ xét đến các quyền cá nhân, dân sự, và chính trị được quốc tế công nhận, như được nêu trong Tuyên ngôn quốc tế về quyền con người và các thỏa thuận quốc tế khác. Bộ Ngoại giao Mỹ công bố báo cáo thường niên về tất cả các quốc gia nhận được hỗ trợ và tất cả các quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc. Báo cáo được trình lên Nghị viện Hoa Kỳ theo Đạo luật Hỗ trợ Nước ngoài năm 1961 và Đạo luật Thương mại năm 1974, theo Bộ ngoại giao Mỹ.
Hoa Minh
Comments
Post a Comment